Toàn tỉnh có 6 cửa llạch, có 01 quần đảo Côn Sơn, vùng rạn khoảng 7,5 km2, có đầy đủ các đặc tính của vùng biển Đông Nam Bộ, nền đáy bằng phẳng, ít dốc, chất đáy phổ biến là bùn, cát, vỏ sò, trong đó đáy bùn chiếm khoảng 50% diện tích. Diện tích vùng đặc quyền kinh tế của biển Đông Nam Bộ khoảng 297.000 km2, độ sâu 50 m nước cách bờ 40÷60 hải lý. Thuỷ triều thuộc chế độ bán nhật triều không đều, biên độ triều 3÷4m, ảnh hưởng của thuỷ triều sâu vào đất liền 170 km đối với hệ thống sông Đồng Nai. Trong vùng biển có các vùng nước trồi, nước chìm, hình thành 5 bãi cá chính (Bắc Cù Lao Thu, Nam Cù Lao Thu, Côn Sơn, Cửa Sông Cửu Long, Ngư trường cá nổi Vũng Tàu - Phan Thiết). Có 04 bãi tôm (Cù Lao Thu, Cửa Sông Cửu Long, Nam Vũng Tàu, Đông Nam mũi Cà Mau). Có 3 bãi mực, mực tập trung ở biển Phan Thiết và Vũng Tàu-Côn Đảo). Nguồn lợi cá vùng biển Nam bộ thuộc phức hệ cá nhiệt đới, đa loài, sống tập trung thành đàn nhỏ, phân bố khá đều. Toàn vùng xác định được 661 loài thuộc 319 giống và 138 họ. Trong đó, số loài có giá trị kinh tế khoảng 100 loài, tập trung ở họ cá Khế, Đù, Sạo, Hồng, Mối, Thu, Ngừ, …Đặc điểm sinh học của cá biển vùng này là chu kỳ sống ngắn, thường chỉ 3-4 năm. Tốc độ sinh trưởng của cá trong năm đầu nhanh, thành thục sớm, ở độ tuổi 1 năm đã có thể khai thác được. Cá đẻ theo đợt, mùa đẻ hầu như kéo dài quanh năm, khả năng sinh sản mạnh. Thành phần thức ăn rộng, không có sự lựa chọn chặt chẽ và đại bộ phận đều bắt mồi quanh năm. Để có những phương hướng phát triển thủy sản trong thời gian tới, trong thời gian qua, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện tốt kế hoạch chuyển giao ứng dụng Khoa học Công nghệ thủy sản giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với những kết quả cơ bản sau:
Trong lĩnh vực khai thác thủy sản: Chuyển giao, ứng dụng quy trình kỹ thuật khai thác cá ngừ và cá nổi nhỏ ở vùng biển xa bờ bằng lưới vây đuôi; Chuyển giao, ứng dụng quy trình kỹ thuật khai thác cá ngừ đại dương, cá nổi nhỏ bằng nghề câu tay và câu vàng; Chuyển giao, ứng dụng quy trình công nghệ khai thác mực, cá nổi nhỏ bằng lưới chụp ở vùng biển xa bờ; Chuyển giao, ứng dụng máy điện hàng hải cho nghề lưới vây, lưới rê khai thác hải sản xa bờ như: Radar Furuno, Koden (quyét xa 32, 48, 72 hải lý); máy dò ngang (quét 3600); định vị hải đồ màu; máy phân tích môi trường (cho nghề câu cá ngừ đại dương) máy đo dòng chảy, phao vô tuyến, điện thoại vệ tinh, ... để hỗ trợ việc dò tìm, đánh giá đàn cá và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển; Chuyển giao, ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm bằng vật liệu Inox và Polyurethane; sản xuất đá sệt làm lạnh bằng phân tử nano; thiết bị cấp đông (Hệ thống thiết bị cấp đông -18 đến -700C được sử dụng trên tàu cá công nghiệp vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới ở các nước có nghề cá phát triển); Chuyển giao, ứng dụng công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt trên tàu cá; Xây dựng mô hình chuyển đổi từ nghề lưới kéo sang các nghề như vây, rê, câu khơi sử dụng một phần ngân sách nhà nước.
Công tác bảo quản sản phẩm sau thu hoạch: Hiện nay, nghề cá xa bờ của Tỉnh sử dụng phương thức ngâm hạ nhiệt và xử lý cá trước khi bảo quản chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu các tàu hành nghề lưới rê thu ngừ, lưới rê xù. Hầu hết tàu thuyền khai thác xa bờ của tỉnh sử dụng đá xay để bảo quản thủy sản khai thác, riêng nghề câu mực sử dụng phương thức phơi khô (vào mùa nắng) và một số tàu lưới Vây cá cơm sử dụng muối để bảo quản cá theo đơn đặt hàng. Thời gian bảo quản sản phẩm trên tàu cá từ 2 tuần trở lên, thực hiện bổ sung đá cho hầm bảo quản sản phẩm mỗi ngày 1 lần. Tuy nhiên, việc bổ sung đá chỉ thực hiện cho lớp bề mặt hầm, còn các lớp khác không thể thực hiện được. Độ dày lớp đá giữa các lớp cá tùy thuộc vào sản phẩm khai thác và thời gian chuyến biển dự kiến, thông thường từ 10-20cm cho chuyến biển từ 3 tuần trở lên, đối với các chuyến biển ngắn ngày, lớp đá giữa các lớp cá <10cm. Một số tàu bán sản phẩm khai thác cho tàu thu mua, hậu cần thủy sản ngay trên biển, do đó chất lượng hải sản được nâng cao, giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng thời gian bám biển dài ngày. Công tác vệ sinh tàu và hầm bảo quản: Hầu hết các tàu cá đều được làm vệ sinh boong tàu, sàn làm việc sau mỗi mẻ lưới. Thực hiện tổng vệ sinh khi kết thúc chuyến biển bằng nước biển, làm vệ sinh hầm bảo quản và tàu cá sau khi bốc xong cá, các tàu cá đều không sử dụng hóa chất trong quá trình vệ sinh tàu và hầm bảo quản, không sử dụng nước tại cảng, bến cá để vệ sinh tàu thuyền và rửa sản phẩm.
Trong lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản: Nhằm từng bước nâng cao năng suất nuôi trồng và chất lượng sản phẩm các đối tượng nuôi chủ lực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong năm 2017-2020 đã xây dựng một số mô hình ứng dụng những thành tựu khoa học vào trong nuôi trồng thủy sản, như: Ứng dụng công nghệ lọc sinh học (biofloc) trong nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng, mô hình được triển khai tại phường 12 – Tp. Vũng Tàu với quy mô 5.000 m2. Sau thời gian nuôi 3 tháng 19 ngày, tôm đạt kích cỡ 47 con/kg, sản lượng 4.255 kg. Lợi nhuận từ mô hình là 279.035.000 đồng; Mô hình nuôi tôm công nghệ cao phòng chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm triển khai tại hộ ông Phạm Thế Vịnh, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với quy mô 1500m2. Sau thời gian nuôi 4 tháng, tôm đạt kích cỡ 40 con/kg, tỷ lệ sống 80%, sản lượng 3.600 kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được 230 triệu đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh một số công ty, cơ sở đã chủ động tìm hiểu và áp dụng các công nghệ nuôi mới vào quy trình sản xuất của mình đem lại hiệu quả cao, điển hình là công ty TNHH Minh Phú Lộc An, công ty TNHH Thành Long, công ty TNHH Ngọc Tùng, HTX Quyết Thắng, cơ sở Liên Giang, cơ sở Lê Minh Châu... Trong giai đoạn 2017-2020 lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã từng bước sản xuất đi vào ổn định trước những khắc phục khó khăn về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Để giải quyết được bài toán khó khăn và ngày càng phát triển, tốc độ tăng trưởng ổn định là một thành công lớn, trong đó phải kể đến sự nỗ lực của các nhà khoa học, cơ quan quản lý và những người sản xuất tiên phong trong đầu tư, áp dụng những tiến bộ khoa học trong sản xuất nhằm đưa ngành Nuôi trồng thủy sản của tỉnh ngày một vươn lên.
Nguyễn Bình